Tin tức

ĐĂNG KÝ ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH

Đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh là cách thức để doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Vậy những điều kiện để có thể đăng ký địa điểm kinh doanh là gì? Hồ sơ và trình tự, thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh tiến hành như nào là đúng quy định của pháp luật? Bài viết dưới đây của Luật và Kế toán Thăng Long sẽ hướng dẫn quý khách hàng một cách chi tiết nhất!

1. Địa điểm kinh doanh là gì?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Khác với chi nhánh và văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không có chức năng đại diện theo ủy quyền và không có con dấu riêng. Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh lại có những ưu điểm như:

– Dễ dàng thành lập ở nhiều địa điểm khác nhau, không cần cùng tỉnh hoặc thành phố với doanh nghiệp chính.

– Dễ dàng đóng cửa khi không có nhu cầu kinh doanh nữa với thủ tục nhanh gọn và tiết kiệm thời gian.

2. Khi thành lập địa điểm kinh doanh thì cần những điều kiện gì?

2.1. Chủ thể nào có quyền thành lập địa điểm kinh doanh?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tất cả các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đều có thể tiến hành thành lập địa điểm kinh doanh.

2.2. Tên của địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 20 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, tên của địa điểm kinh doanh được quy định như sau:

– Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

– Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.

– Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

–  Không được đặt toàn bộ hoặc 1 phần tên doanh nghiệp trùng với tên tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước. Ngoại lệ: có sự chấp thuận của tổ chức, đơn vị, cơ quan đó.

Ví dụ: Địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Luật và Kế toán Thăng Long

2.3. Địa chỉ thành lập địa điểm kinh doanh

Địa điểm kinh doanh phải có trụ sở và trụ sở tuân theo quy định của pháp luật. Địa chỉ trụ sở của địa điểm kinh doanh không được là nhà tập thể, nhà chung cư.

Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh với địa chỉ đăng ký trụ sở chính, nơi mà chưa có chi nhánh thay vì chỉ được lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Địa chỉ đặt địa điểm kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải có đầy đủ các đơn vị hành chính sau:

– Số nhà, ngách, hẻm, ngõ, đường phố/tổ/xóm/ấp/thôn

– Xã/phường/thị trấn

– Quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh

– Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương

2.4 Ngành nghề kinh doanh của địa điểm kinh doanh

Ngành nghề đăng ký cho địa điểm kinh doanh bắt buộc phải trùng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chính.

2.5 Người đứng đầu của địa điểm kinh doanh

Người đứng đầu địa điểm kinh doanh là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được Doanh nghiệp bổ nhiệm.

3. Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh

Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh

– Thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký

– Văn bản ủy quyền về việc nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh của người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của người được ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp).

Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp

– Thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đứng đầu chi nhánh ký.

– Văn bản ủy quyền về việc nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh của người đứng đầu chi nhánh và bản sao giấy tờ pháp lý của người được ủy quyền.

4. Trình tự, thủ tục thành lập

Bước 1: Chuẩn bị thông tin, soạn thảo hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh.

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh nhân thân như CCCD/CMND/hộ chiếu

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

– Giấy ủy quyền của doanh nghiệp cho cá nhân người đại diện nộp hồ sơ

– Thông báo thành lập địa điểm kinh doanh

– Tờ khai thông tin của người đại diện nộp hồ sơ

Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi dự định thành lập địa điểm kinh doanh qua 1 trong 3 phương thức sau:

– Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa thuộc phòng đăng ký kinh doanh.

– Gửi hồ sơ quy dịch vụ bưu chính viễn thông đến Phòng Đăng ký kinh doanh.

– Đăng ký online qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Thẩm định và cấp giấy chứng nhận thành lập địa điểm kinh doanh. Hồ sơ sau khi được nộp và chấp nhận hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được sở kế hoạch đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh và được cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Nếu hồ sơ không hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được thông báo bổ sung, sửa đổi và nộp lại hồ sơ để chờ kết quả.

Bước 4: Công bố thông tin, thủ tục công bố nội dung đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh là bắt buộc khi nhận kết quả. Nội dung công bố bao gồm giấy chứng nhận hoạt động địa điểm kinh doanh và thông tin ngành nghề kinh doanh.

5. Những câu hỏi thường gặp khi đăng ký địa điểm kinh doanh

a. Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh ở đâu?

Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh:

– Thành lập địa điểm kinh doanh cùng phường với trụ sở công ty hoặc trụ sở chi nhánh;

– Thành lập địa điểm kinh doanh cùng quận với trụ sở công ty hoặc trụ sở chi nhánh;

– Thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh với trụ sở công ty hoặc trụ sở chi nhánh;

– Thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở công ty hoặc trụ sở chi nhánh.

b. Có thể thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh không?

Có thể. Doanh nghiệp có thể thành lập nhiều địa điểm kinh doanh ở các tỉnh khác nhau và khác tỉnh với trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc trụ sở chi nhánh.

c. Địa điểm kinh doanh có phải kê khai thuế hàng quý không?

Đối với địa điểm kinh doanh khác tỉnh phát sinh hoạt động kinh doanh: địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của đơn vị chủ quản cho từng địa điểm kinh doanh, gửi Thông báo phát hành hóa đơn của từng địa điểm kinh doanh; kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế nơi địa điểm đặt địa chỉ.

Trường hợp không phát sinh hoạt động kinh doanh tại địa điểm kinh doanh thì không phải kê khai chỉ cần thực hiện: Đăng ký cam kết không phát sinh hoạt động kinh doanh cho địa điểm kinh doanh khác tỉnh.

d. Địa điểm kinh doanh có phải đóng thuế không?

Có. Địa điểm kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài hàng năm là 1.000.000 đồng/năm. Đối với địa điểm kinh doanh khác tỉnh phát sinh hoạt động kinh doanh thì địa điểm kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế nơi địa điểm đặt địa chỉ.

e. Địa điểm kinh doanh có được sử dụng con dấu không?

Địa điểm kinh doanh không được đăng ký và sử dụng con dấu.

CÔNG TY TNHH LUẬT & KẾ TOÁN THĂNG LONG